Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

- Thứ Sáu Tuần 16 Thường Niên.


Suy Niệm Lời Chúa ngày 24.7.2020 + Lời Chúa: Mt 13, 18-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
+ Suy Niệm: Lạc Quan.
Lẽ thường, không ai muốn mình là mảnh đất xấu, ai cũng muốn mình được nhìn nhận là người đạo hạnh hay ít ra là chấp nhận được. Nhưng thực tế đời sống nhiều khi lại cho thấy sự trái ngược đến khó hiểu: ta vẫn đọc kinh, vẫn đi lễ, vẫn cố gắng sửa mình nhưng dường như đời ta vẫn cằn cỗi, thui chột.
Ta thấy hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai.
Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.
Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cr. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".
Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.
Tuy không phải là đất tốt, nhưng vườn hồn ta cũng có những góc đã là đất tốt cùng với những góc cần được cải tạo hoặc lâu nay bị bỏ quên và Lời Chúa chưa đến được. Tuy phận người vốn mỏng dòn yếu đuối, gai góc đá sỏi cũng gắn liền với phận người và không dễ để dọn dẹp, nhưng không phải là đời đời không có thay đổi.
Ngẫm lại mà xem, nhiều lúc ta giống cái vệ đường chai lì đầy đá sỏi vì đã chẳng hiểu hoặc không muốn hiểu sứ điệp Lời Chúa dành cho ta. Một lời mời tha thứ, một tiếng gọi quảng đại với tha nhân không khó để ta hiểu, vậy mà rất có thể nhiều lần ta đã giả điếc làm ngơ hoặc giải nai chẳng hiểu chăng?
Nhiều lúc ta cũng không khác gì đám đất mệt chứa đầy những gai góc. Ta mỏi kiệt quệ vì đã dành quá nhiều thì giờ, công sức và tiền của cho công việc, nghề nghiệp, thú vui và địa vị hơn là đến với các lớp giáo lý, hơn là cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa.
Suy niệm đến đây, hẳn ta đã hiểu vì sao ta có cảm giác buồn vì đời mình chẳng được là mảnh đất tốt; và hẳn ta cũng cảm thấy khao khát hơn lúc nào hết muốn cho đất hồn mình hóa tốt.
Mảnh đất tâm hồn sẽ được biến đổi nếu bản thân ta thực sự khao khát và tích cực cộng tác với ơn Chúa. Niềm khao khát của ta phải kèm theo sự kiên nhẫn, phải đi cùng thời gian và phải biết chờ đợi. Thái độ cộng tác của ta phải tỏ lộ qua việc làm. Việc làm cần thiết nhất và trước nhất phải là cầu nguyện. Vì qua cầu nguyện, ta được Chúa ban ơn để biết kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn trả giá và đánh đổi, nhất là để có cơ hội hiểu được Lời Chúa, nếm được sự ngọn ngào của Lời Chúa và cảm nhận sức mạnh tái sinh của Lời Chúa.
Với và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, hẳn ta đã được soi sáng để nhận ra rằng giữa mảnh đất tâm hồn (nghĩa bóng) và mảnh đất thiên nhiên (nghĩa đen) vừa có một sự khác biệt rất lớn lại vừa có một sự tương đồng đến bất ngờ. Khác biệt ấy là mảnh đất vật chất không muốn và cũng không biết muốn cho mình tốt hơn; đang khi đó, con người có thể khao khát, nỗ lực và đón nhận sự trợ giúp để đổi đời, để trở thành mảnh đất tốt hơn và tốt nhất. Đất tâm hồn và đất thiên nhiên giống nhau ở chỗ: tùy vào ông chủ mà chất đất có thể thay đổi chứ không phải mãi mãi là tốt hoặc mãi mãi là xấu.
- Người Giồng Trôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa nhật( 19/09/2021) 25 Thường niên.

Tin mừng: Mc 9, 29-36 Xã hội Việt Nam chúng ta rất chuộng chức quyền, nhiều người ước muốn làm quan, làm lớn để có địa vị, có lợi lộc để đượ...