Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Thứ Hai tuần XVII Thường Niên


Ý NGHĨA DỤ NGÔN
(Mt 13,31-35)
Dụ ngôn hay ẩn dụ - thuật ngữ Do thái: מָשָׁל (maschal), là lời nói ẩn ngữ, gồm nhiều loại khác nhau như: so sánh, câu đố, tục ngữ, các lời nói khải huyền... Trong văn hóa Hy Lạp, ẩn dụ, dụ ngôn (Παραβολή) là hình thức diễn tả tượng hình, mạc khải nội dung mầu nhiệm nằm sau ý nghĩa lời nói.
 Vì thế, khi nhà giảng thuyết muốn truyền đạt cho các thính giả của mình những nhận thức mới, họ thường sử dụng tỉ dụ hay dụ ngôn. Nhờ thế, ông có thể dẫn thính giả đến thực tế mà trước đó còn nằm ngoài tầm hiểu biết của họ. Ông muốn chỉ cho thấy những thực tại nằm trong khả năng kinh nghiệm, điều mà trước đây họ chưa nhận thức được[1]. Điều này có nghĩa, để hiểu được dụ ngôn, đòi buộc phải có sự cộng tác của người nghe, nhờ đó họ có thể nhận thức và hiểu điều chưa biết.
 Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng. Ngài lấy hình ảnh hạt cải và men để nói về Nước Trời, hay còn gọi là Nước Thiên Chúa. Hạt cải - hình ảnh của Nước Thiên Chúa - là hạt bé nhất trong các hạt giống, nhưng chứa đựng cả một cây lớn trong mình. Hạt giống là thực tại của tương lai. Điều sẽ đến còn ẩn chứa trong hạt giống. Hạt giống khi được gieo xuống đất, nó phát triển và trở thành cây cao lớn. Cũng vậy, Nước Trời lúc khởi đầu trong tình trạng nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng kết thúc sẽ lớn lao, vĩ đại mà người ta không ngờ tới.
 Men trong bột cũng thế, khởi đầu là chút men ít ỏi tương phản với lượng bột nhiều gấp bội. Chút men được ẩn giấu trong bột, tuy nhỏ nhoi, nhưng sức mạnh và tác động của men trong khối bột thực sự to lớn. Đây cũng chính là hình ảnh nói lên sự tác động của Nước Thiên Chúa trong lòng nhân loại.
Có thể nói được rằng, thời đại của Đức Giêsu, của các môn đệ là thời gian của hạt giống, thời gian gieo hạt giống Tin mừng vào lòng thế giới. Lúc ấy hạt giống Tin mừng mới được loan báo nên còn trong tình trạng âm thầm, nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng nhờ sức mạnh của Tin mừng, như men được trộn vào trong bột, tác động vào bột, làm cho bột chuyển sang một trạng thái khác, thành bánh nuôi sống con người, thì Tin mừng Nước Thiên Chúa cũng đi vào thế giới, đi vào lòng người, âm thầm biến đổi thế giới và con người. Khi họ đón nhận Tin mừng, đón nhận Nước Thiên Chúa, họ được quyền trở nên con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12), được cứu độ, được chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,21).
Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng, về phương diện Kitô học, chúng ta có thể hiểu: Đức Giêsu chính là vương quốc, là Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện diện trong Ngài giữa nhân loại. Vì có lần người Pharisêu thắc mắc hỏi Đức Giêsu: „Bao giờ Nước Thiên Chúa đến?“ Ngài trả lời: „Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông“ (Lc 17,19.21). Nếu hiểu theo nghĩa thần bí: Nước Thiên Chúa ngự trị trong nội tâm con người. Do đó, Nước Thiên Chúa không hiện diện trên bản đồ thế giới, vì Nước Thiên Chúa không phải là vương quốc theo cách thức như vương quốc trần gian, vị trí của nó chính là nội tâm con người, chỉ nơi đó Nước Thiên Chúa phát triển và tác động trên chính con người. Nếu hiểu Nước Thiên Chúa theo chiều kích Giáo hội học, Giáo hội được xem như Nước Thiên Chúa trên mặt đất[2].
Thế nhưng, trong dòng chảy lịch sử, con cái Giáo hội đã làm cho người khác hiểu sai về lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, nên Alfred Loisy (1857-1940), thần học gia và sử gia người Pháp đã mỉa mai rằng: „Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa và Giáo hội đã đến“. Thay vì người ta mong chờ Nước Thiên Chúa hiển trị, một điều gì đó khác lạ lại đến, đó chính là Giáo hội. Người ta đã cố gắng xây dựng Giáo hội thành một thành trì kiên cố, bất khả xâm phạm và nhân danh Chúa, làm mọi cách để khuếch trương Giáo hội, thay vì rao giảng Nước Thiên Chúa, làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị giữa lòng thế giới và trong tâm hồn của con người.
Người ta quên rằng, Tin mừng về Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng chính là hoạt động của Thiên Chúa được thể hiện giữa loài người hôm nay. Thời Đức Giêsu và các môn đệ là thời kỳ khai nguyên Tin Mừng. Chính lời rao giảng của các Ngài đã chạm đến thực tại sâu xa của Giáo hội. Vì thế, trách nhiệm của Giáo hội, trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta cần đáp ứng đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 Nếu chúng ta chưa thực sự loan báo Tin mừng, nói cho thế giới về Nước Thiên Chúa, đây chính là dịp giúp chúng ta phản tỉnh và nghiền ngẫm lời tự bạch của thánh Phaolô: „Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng“ (1 Cr 9,16).

 _________________________________

[1] x. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 181.
[2] x. Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 73-74.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa nhật( 19/09/2021) 25 Thường niên.

Tin mừng: Mc 9, 29-36 Xã hội Việt Nam chúng ta rất chuộng chức quyền, nhiều người ước muốn làm quan, làm lớn để có địa vị, có lợi lộc để đượ...