Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Chúa nhật( 19/09/2021) 25 Thường niên.


Tin mừng: Mc 9, 29-36

Xã hội Việt Nam chúng ta rất chuộng chức quyền, nhiều người ước muốn làm quan, làm lớn để có địa vị, có lợi lộc để được vinh thân phì gia, nhưng rất ít người mong có chức quyền để phục vụ dân chúng.


Hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ và cũng là dạy mỗi người chúng ta: "Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".

Người làm lớn nhất phải tự làm người rốt hết và làm đầy tớ cho những người dưới quyền mình. Người đầy tớ là người phục vụ, người đầy tớ trong nhà là người phải hầu hạ phục vụ ông bà chủ và mọi người trong nhà, ngày nay chúng ta có danh từ mới là làm ô-shin nhưng có điều khác ở Lời Chúa dạy là tình nguyện làm người đầy tớ. Mình ở địa vị cao nhưng lại tự nguyện làm người tôi tớ tức là dùng chức quyền của mình như là phương tiện để phục vụ.

Chúng ta nhìn vào gương Chúa Giêsu: Chúa nói với các môn đệ: "Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn Rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải Rửa chân cho nhau (Ga 13,14)" Chúa sống giữa các môn đệ với tinh thần của người tôi tớ vì thế Chúa quả quyết :"Con người đến không phải để cho người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người"(Mt 20, 28).

Thánh Phêrô tiếp nhận được bài học Chúa dậy nên Ngài khuyên các mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa: "Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa giao phó cho anh em nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1 Pr 5,3) - Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban (1Pr 4,10-11).

Tinh thần của người làm lớn như Chúa dạy rất cần thiết cho thế giới ngày nay. Đức Giáo hoàng là chức vị lớn nhất trong Giáo hội Công giáo, nhưng các ngài tự nhận là: "Đầy tớ của các đầy tớ Thiên Chúa".

Ông Tôn Thúc Ngao nói: "địa vị càng cao thì càng phải khiêm tốn. Lợi lộc càng nhiều thì càng phải biết chia sẻ".

Chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa một em bé ra làm gương mẫu cho các môn đệ. Chúa nêu lên sự khiêm tốn của trẻ em và cũng dạy mọi người phải biết đón nhận trẻ nhỏ. Trong gia đình chúng ta thấy nhiều khi cha mẹ sẵn sàng đóng vai đầy tớ để chăm sóc lo lắng cho con cái nhất là các em bé. Như vậy có thể tóm kết bài học Chúa dậy cho những người làm lớn là phải có tinh thần yêu thương, khiêm tốn và phục vụ.

Có thời gian bên phần đời cũng đưa Lời Chúa dậy vào việc hành chánh như nói: "Công chức là đầy tớ của dân" nhưng thực tế người dân lại đưa ra nhận xét ngược lại : Hành Chánh tức là Hành là chính. Ước chi lời nói phải đi đôi với việc làm cả bên đạo lẫn bên phần đời.

Câu chuyện : Có một vị tu sĩ già đã suốt đời tu trì, làm các việc đạo đức và giữ kỉ luật trong tu viện. Ông thường cầu xin Chúa hiện ra để củng cố đức tin của mình nhưng chẳng được, chờ lâu quá ông hoàn toàn thất vọng thì một ngày kia Chúa hiện ra với ông và ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nhưng giữa lúc ông đang tâm sự với Chúa thì một hồi chuông vang lên báo tới giờ phát gạo cho người nghèo và hôm nay là phiên của ông. Ông tự nhủ những người nghèo sẽ đói nếu tôi không đi phát gạo cho họ, nên ông xin lỗi Chúa để đi phát gạo. Sau hơn một giờ làm xong công tác, ông trở về mở cửa phòng thì thấy Chúa vẫn chờ ông. Ông quì gối cảm tạ Chúa và Chúa nói: "Giả như con không đi phát gạo thì Ta chẳng ở đây chờ con đâu!" Qua đó ông hiểu phục vụ anh em là phục vụ chính Chúa.

Nhưng trước khi Chúa Giêsu dạy về bài học tinh thần người làm lớn cần phải có thì Chúa đã loan báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa. Trong lời loan báo lần thứ nhất Chúa cho biết :"Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ". Như vậy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu phải thực hiện là đi qua con đường đau khổ của Thập giá, nhưng liền sau đó cả hai lần Chúa đều loan báo: sau khi bị giết chết ngày thứ Ba Người sẽ sống lại. Cho nên Khổ nạn và Phục sinh là hai mặt của một thực tại: có khổ nạn thì mới có Phục sinh và phục sinh làm cho cuộc khổ nạn của Chúa trở nên tròn đầy ý nghĩa và mới có sức đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Chúa loan báo lần thứ nhất thì ông Phêrô can ngăn Chúa đừng chịu như vậy nên Chúa đã qưở trách ông. Lần này các ông làm thinh và tỏ ra chậm hiểu, sợ không dám hỏi Chúa. Hơn thế nữa các ông còn bỏ ngay ngoài tai lời loan báo này để sôi nổi tranh cãi với nhau về đặc quyền đặc lợi: ai là người lớn nhất trong các ông. Chắc chắn Chúa Giêsu cảm nghiệm được nỗi cô đơn khi các môn đệ không hiểu, không thương cảm Chúa qua lời loan báo này để khi đến giờ khổ nạn, các ông sẽ bỏ rơi Chúa.

Chúng ta được sống trong thời kì sau lễ Hiện Xuống, chúng ta xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí chúng ta để chúng ta đón nhận Lời Chúa Giêsu dạy và đem ra thực hành: Chúa cho ta có được chức vị gì, ta hãy dùng như phương tiện để phục vụ anh em tốt hơn, Chúa gởi đến đau khổ Thập giá, ta hãy xin vui lòng vác theo chân Chúa đến cùng. Amen

Lm. Vinh sơn Nguyễn Minh Huấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa nhật( 19/09/2021) 25 Thường niên.

Tin mừng: Mc 9, 29-36 Xã hội Việt Nam chúng ta rất chuộng chức quyền, nhiều người ước muốn làm quan, làm lớn để có địa vị, có lợi lộc để đượ...