Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

THAY ĐỔI.... ĐỂ THẤY CUỘC SỐNG ĐẸP HƠN

Dậy sớm hơn mọi ngày để thấy rằng hôm nay thật đẹp. Nắng chan hòa giăng khắp lối đi, những thanh âm trong trẻo của ngày mới nghe thật vui tai, chẳng giống tiếng còi xe ồn ào náo nhiệt ngày hôm qua. Và ta thay đổi. Tràn đầy hứng khởi cho ngày mới.

Cười nhiều lên một chút, với bạn bè, người thân, với những người mỉm cười với ta, và cả những người ta tình cờ gặp mặt, dù chẳng thân nhiều. Nở nụ cười với người đang hạnh phúc để sẻ chia niềm vui cùng họ, và để thấy lòng mình hạnh phúc hơn. Nở nụ cười với người đang gặp khó khăn, để họ cảm nhận được rằng, sẽ luôn có ai đó bên cạnh, và dẫu sao cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui.

Hãy khóc khi thật sự muốn khóc, đừng mãi che giấu cảm xúc của mình, đừng biến thành một người lạnh lùng, vô cảm. Khóc để vơi đi nỗi niềm. Để có cơ hội giãi bày. Để được dựa vào bờ vai của ai kia, người luôn sẵn sàng cho ta cảm nhận thế nào là được vỗ về. Khóc, để thấy mình thật bé bỏng, mong manh. Và khóc, để thấy mình đang lớn.

Nghe một bản nhạc rock giữa trưa hè oi bức thay cho những tình ca ngọt lịm mỗi đêm để thấy rằng, không phải mọi thứ ồn ào đều làm ta khó chịu. Rock cũng hay đấy chứ. Và ta biết rằng thay đổi ý kiến về một điều gì đó, đôi khi, sẽ đem lại những thú vị bất ngờ.

Hãy rộng lòng thêm một chút, mạnh dạn bày tỏ tình cảm với mọi người, và đón nhận những tính cảm họ dành cho ta, để biết "cảm giác bình thường tuyệt vời" của tình yêu thương, để sống chan hòa và cởi mở.

Mạnh dạn nói lời xin lỗi cho những lỗi lầm ta gây ra, mạnh dạn nói lời tha thứ với người đã không tốt với ta, để tự tha thứ cho chính bản thân mình, và để đừng bao giờ lặp lại sai làm ấy.

Mạnh dạn nói lời yêu thương với người ta thật sự yêu thương, dù ta biết họ cũng hiểu tình cảm mà ta dành cho họ lớn lao như thế nào. Nhưng một lời nói dù sao cũng hơn mà, đúng không?

Quan tâm đến mọi người hơn một chút để nhận ra rằng, cuộc sống xung quanh đang trôi đi nhanh lắm, phải nắm chặt lấy những hình ảnh thân thương, những tình cảm tốt đẹp, những khoảnh khắc muôn màu... để ngày mai, ta vẫn còn một ký ức, để nhớ về.

Lắng nghe nhiều hơn một chút để đôi tai được phát huy tối đa tác dụng, để được nghe những bản nhạc tuyệt vời nhất mà nhà soạn nhạc thiên tài "Cuộc sống" đang dâng tặng miễn phí cho mọi người.

Đọc nhiều hơn một chút để biết rằng ta thật là nhỏ bé giữa bể kiến thức, để học được những điều hay, biết được những câu chuyện thú vị, để mở rộng kiến thức, thư thái tâm hồn, thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia.

Và...
Tinh tế hơn một chút. Dịu dàng hơn một chút. Mạnh mẽ hơn một chút. Chú ý đến bản thân hơn một chút. Người lớn hơn một chút. Tin tưởng hơn một chút. Dứt khoát hơn một chút. Thay đổi... một chút thôi mà.....


Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Thứ Tư tuần XVIII TN

Lạy Chúa, xin cứu giúp dân”;


Cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay có chung một chủ đề: khiêm hạ nới lỏng niềm tin, niềm tin nới lỏng lòng thương xót. Giêrêmia kêu gọi dân hãy tin vào Thiên Chúa và hãy khiêm hạ thưa lên với Người, “Lạy Chúa, xin cứu giúp dân”; người phụ nữ ngoại giáo đầy lòng tin khiêm hạ thưa lên với Chúa Giêsu, “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” và lòng thương xót của Thiên Chúa của cả hai thời Cựu Ước và Tân Ước được nới lỏng.

Những lời ngôn sứ Giêrêmia hôm nay nằm trong phần được gọi là sách an ủi, qua đó, Giêrêmia miêu tả tương lai tươi sáng của dân Chúa. Từ tình trạng phân tán khổ sở, dân sẽ được dẫn về Palestine, quy tụ quanh Sion trong những điều kiện hoàn toàn đổi mới. Giêrêmia nói với dân hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã nói, “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở”; hãy kêu cầu Người trong khiêm hạ, “Lạy Chúa, xin cứu giúp dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel”; và quả thế, Thiên Chúa đã xót thương phục hồi cho dân lại từ đầu.

Tin Mừng hôm nay nói đến sự khiêm hạ tuyệt vời của người phụ nữ Canaan đến từ vùng ngoại giáoTyrô và Sidon. Bà van xin Chúa Giêsu, “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin cứu giúp tôi, con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”; Marcô cho thấy một hình ảnh đẹp hơn, “Bà sấp mình dưới chân Người”. Chúa Giêsu im lặng không nói một lời… đến nỗi các môn đệ phải lên tiếng can thiệp và Ngài mở miệng nói một điều xem ra quá cứng cỏi, “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy khó chịu; thế nhưng, đó là sự thật và câu nói ấy không cứng cỏi hay thô lỗ chút nào dẫu bề ngoài xem ra thô lỗ và cứng cỏi.

Trước hết Chúa Giêsu nói bà không xứng đáng với đặc ân này; và quả đúng như thế. Bà là ngoại giáo và ngay cả chúng ta, con cái Chúa, nào ai xứng đáng trước một ân sủng của Thiên Chúa. Câu nói ấy có thể gây sốc nhưng đó là một sự thật. Trước ân huệ của Thiên Chúa, nào ai dám cho mình xứng đáng; người phụ nữ ngoại giáo đã vui lòng chấp nhận sự thật đó.

Tiếp đến, những lời cứng cỏi của Chúa Giêsu lại mở ra cho bà một phản ứng tột đỉnh của sự khiêm hạ và lòng tin; bà tựcoi mình ngang hàng với những chó con vốn có thể nhặt nhạnh những gì từ bàn chủ rơi xuống. Và chúng ta tin Chúa Giêsu hẳn cũng đã nói với bà những lời ấy theo một cung cách khiêm hạ vì chỉ Ngài mới biết bà sẽ khiêm nhu đến mức nào để làm cho sự khiêm hạ của mình rực sáng đến độ bà có thể mạnh mẽ bộc lộ niềm tin. Bà không cảm thấy bị xúc phạm về sự bất xứng của mình; đúng hơn, bà đã ôm lấy nó, nhờ đó,đã nới lỏng được lòng thương xót của Thiên Chúa bất chấp sự bất xứng của mình.

Khiêm hạ có một tiềm lực để nới lỏng niềm tin; niềm tin sẽ nới lỏng được lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Cuối cùng, Chúa Giêsu phải lớn tiếng tuyên bố cho cả những người đang nghe, “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Bà đã tuyên xưng niềm tin và Chúa Giêsu chộp lấy cơ hội để khen ngợi bà vì bà có một niềm tin đầy khiêm hạ đến tuyệt vời. Điều đó vén mở cho thấy những lời của Chúa Giêsu chẳng còn chút gì là cứng cỏi hay thô lỗ. Phép lạ này còn mang một ý nghĩa thần học, là tiên báo ơn cứu độ của Thiên Chúa vốn cũng sẽ được ban cho dân ngoại.

Thánh Gioan Maria Vianney lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như không đủ khả năng tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục, một giáo sư đến khảo Vianney. Vianney không trả lời được câu hỏi nào… Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đập bàn quát lớn, “Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?”.Vianney khiêm tốn trả lời, “Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng cái xương hàm của một con lừa để đánh bại ba ngàn quân Philitinh; vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?”.


Chính sự khiêm hạ chấp nhận mình là một con lừa nhưng là một con lừa đầy niềm tin, Vianney đã nới lỏng được lòng thương xót của Thiên Chúa và cha xứ họ Ars đã trở nên một hiện tượng không chỉ cho nước Pháp nhưng còn cho cả Âu châu đầu thế kỷ mười chín.

“Lạy Chúa, con biết con bất xứng nhưng con tin, con sẽ nới lỏng được lòng thương xót của Chúa, vì Chúa là Đấng xót thương vốn xót thương luôn cả sự bất xứng của con”, Amen.


Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Thứ Hai tuần XVII Thường Niên


Ý NGHĨA DỤ NGÔN
(Mt 13,31-35)
Dụ ngôn hay ẩn dụ - thuật ngữ Do thái: מָשָׁל (maschal), là lời nói ẩn ngữ, gồm nhiều loại khác nhau như: so sánh, câu đố, tục ngữ, các lời nói khải huyền... Trong văn hóa Hy Lạp, ẩn dụ, dụ ngôn (Παραβολή) là hình thức diễn tả tượng hình, mạc khải nội dung mầu nhiệm nằm sau ý nghĩa lời nói.
 Vì thế, khi nhà giảng thuyết muốn truyền đạt cho các thính giả của mình những nhận thức mới, họ thường sử dụng tỉ dụ hay dụ ngôn. Nhờ thế, ông có thể dẫn thính giả đến thực tế mà trước đó còn nằm ngoài tầm hiểu biết của họ. Ông muốn chỉ cho thấy những thực tại nằm trong khả năng kinh nghiệm, điều mà trước đây họ chưa nhận thức được[1]. Điều này có nghĩa, để hiểu được dụ ngôn, đòi buộc phải có sự cộng tác của người nghe, nhờ đó họ có thể nhận thức và hiểu điều chưa biết.
 Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng. Ngài lấy hình ảnh hạt cải và men để nói về Nước Trời, hay còn gọi là Nước Thiên Chúa. Hạt cải - hình ảnh của Nước Thiên Chúa - là hạt bé nhất trong các hạt giống, nhưng chứa đựng cả một cây lớn trong mình. Hạt giống là thực tại của tương lai. Điều sẽ đến còn ẩn chứa trong hạt giống. Hạt giống khi được gieo xuống đất, nó phát triển và trở thành cây cao lớn. Cũng vậy, Nước Trời lúc khởi đầu trong tình trạng nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng kết thúc sẽ lớn lao, vĩ đại mà người ta không ngờ tới.
 Men trong bột cũng thế, khởi đầu là chút men ít ỏi tương phản với lượng bột nhiều gấp bội. Chút men được ẩn giấu trong bột, tuy nhỏ nhoi, nhưng sức mạnh và tác động của men trong khối bột thực sự to lớn. Đây cũng chính là hình ảnh nói lên sự tác động của Nước Thiên Chúa trong lòng nhân loại.
Có thể nói được rằng, thời đại của Đức Giêsu, của các môn đệ là thời gian của hạt giống, thời gian gieo hạt giống Tin mừng vào lòng thế giới. Lúc ấy hạt giống Tin mừng mới được loan báo nên còn trong tình trạng âm thầm, nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng nhờ sức mạnh của Tin mừng, như men được trộn vào trong bột, tác động vào bột, làm cho bột chuyển sang một trạng thái khác, thành bánh nuôi sống con người, thì Tin mừng Nước Thiên Chúa cũng đi vào thế giới, đi vào lòng người, âm thầm biến đổi thế giới và con người. Khi họ đón nhận Tin mừng, đón nhận Nước Thiên Chúa, họ được quyền trở nên con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12), được cứu độ, được chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,21).
Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng, về phương diện Kitô học, chúng ta có thể hiểu: Đức Giêsu chính là vương quốc, là Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện diện trong Ngài giữa nhân loại. Vì có lần người Pharisêu thắc mắc hỏi Đức Giêsu: „Bao giờ Nước Thiên Chúa đến?“ Ngài trả lời: „Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông“ (Lc 17,19.21). Nếu hiểu theo nghĩa thần bí: Nước Thiên Chúa ngự trị trong nội tâm con người. Do đó, Nước Thiên Chúa không hiện diện trên bản đồ thế giới, vì Nước Thiên Chúa không phải là vương quốc theo cách thức như vương quốc trần gian, vị trí của nó chính là nội tâm con người, chỉ nơi đó Nước Thiên Chúa phát triển và tác động trên chính con người. Nếu hiểu Nước Thiên Chúa theo chiều kích Giáo hội học, Giáo hội được xem như Nước Thiên Chúa trên mặt đất[2].
Thế nhưng, trong dòng chảy lịch sử, con cái Giáo hội đã làm cho người khác hiểu sai về lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, nên Alfred Loisy (1857-1940), thần học gia và sử gia người Pháp đã mỉa mai rằng: „Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa và Giáo hội đã đến“. Thay vì người ta mong chờ Nước Thiên Chúa hiển trị, một điều gì đó khác lạ lại đến, đó chính là Giáo hội. Người ta đã cố gắng xây dựng Giáo hội thành một thành trì kiên cố, bất khả xâm phạm và nhân danh Chúa, làm mọi cách để khuếch trương Giáo hội, thay vì rao giảng Nước Thiên Chúa, làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị giữa lòng thế giới và trong tâm hồn của con người.
Người ta quên rằng, Tin mừng về Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng chính là hoạt động của Thiên Chúa được thể hiện giữa loài người hôm nay. Thời Đức Giêsu và các môn đệ là thời kỳ khai nguyên Tin Mừng. Chính lời rao giảng của các Ngài đã chạm đến thực tại sâu xa của Giáo hội. Vì thế, trách nhiệm của Giáo hội, trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta cần đáp ứng đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 Nếu chúng ta chưa thực sự loan báo Tin mừng, nói cho thế giới về Nước Thiên Chúa, đây chính là dịp giúp chúng ta phản tỉnh và nghiền ngẫm lời tự bạch của thánh Phaolô: „Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng“ (1 Cr 9,16).

 _________________________________

[1] x. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Nxb Tôn giáo 2008, tr. 181.
[2] x. Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 73-74.




Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI


 CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - A


(Mt 13,44-52)
Trong cuộc sống, phần lớn chúng ta khao khát và ước ao cho mình giàu sang, phú quý, có thật nhiều của cải giá trị như tiền bạc, ngọc quý, kim cương. Cũng vậy, trước mầu nhiệm cứu độ, Đức Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta hãy khôn ngoan, can đảm, dứt khoát chọn lựa cho mình một phần thưởng quý giá nhất là Nước Trời, là Đức Kitô và ơn cứu độ của Ngài.
 Mầu nhiệm Nước Trời là tin vào Đức Kitô
 Trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh sử Matthêu trình bày các giáo huấn của Đức Giêsu liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Nước Trời. Đức Giêsu sử dụng ba hình ảnh so sánh: Kho tàng, ngọc quý và mẻ lưới để nói lên thái độ cần phải có, phải dứt khoát, đòi hỏi người tin phải chọn lựa trước mầu nhiệm cứu độ của Ngài.
 Khi so sánh Nước Trời giống như kho báu và ngọc quý, Đức Giêsu không những nhấn mạnh giá trị của kho báu và ngọc quý mà còn nói lên thái độ của người muốn sở hữu những kho tàng ấy. Bởi vì, thái độ khôn ngoan của người làm ruộng và thương gia khi họ âm thầm bán gia sản, lấy tiền mua bằng được thuở ruộng và viên ngọc. Vì kho báu và ngọc quý trở thành động lực thôi thúc họ hy sinh những gì mình đang có để chiếm hữu nó. Người cày ruộng tình cờ khám phá ra Nước Trời là một ơn Thiên Chúa ban nhưng không. Nước Trời do chính Đức Giêsu thiết lập, là một kho báu thiêng liêng, khi nhận biết người ta sẵn sàng hy sinh từ bỏ những gì mình đang có để chiếm hữu được Nước Trời. Để có được Nước trời, đòi người ta phải đáp trả, sẵn sàng hy sinh bản thân, chấp nhận mất mát, kể cả mạng sống để có được Nước Trời làm gia nghiệp. Đó là những người gặp được Chúa và hiểu được giá trị của ơn cứu độ, sẵn sàng tận hiến cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
 Tương tự như vậy, trong cuộc sống, cũng không lạ lẫm gì, có biết bao người đã bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, xa rời người thân yêu lên đường tìm một nơi đất mới màu mỡ hơn, an ninh hơn và nhất là có một cuộc sống tốt đẹp, phát triển hơn và bình an hơn để lập nghiệp. Tiếp đến là hình ảnh chiếc lưới đánh cá đã được Đức Giêsu dùng để trả lời cho những ai lên án Ngài không biết chọn lựa các môn đệ, là những người đi theo Ngài trong đó có cả những thành phần phản bội Ngài.
 Dụ ngôn chiếc lưới với đủ loại cá diễn tả một thực tại của ơn cứu độ. Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhẫn nại chờ đợi tất cả mọi người, không khai trừ và kỳ thị ai. Thiên Chúa luôn mong chờ, mời gọi chúng ta hãy trở về, nên thánh thiện trọn lành như Cha ở trên trời là Đấng trọn lành.
 Biết bao lần chúng ta cứng lòng chạy theo những thần tượng như tiền bạc, danh vọng, địa vị, bán rẻ lương tâm, xa cách Thiên Chúa, thậm chí không còn nhận biết Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn rộng lòng xót thương chờ đợi chúng ta. Bởi vì, không ai trong chúng ta có thể trốn thoát được lần định đoạt cuối cùng trong ngày phán xét. Cũng như không ai trong chúng ta có đủ thẩm quyền để cứu chúng ta ngoài Thiên Chúa. Cho nên Đức Kitô mời gọi chúng ta dấn thân một cách triệt để và cương quyết hơn để sống đức tin của mình. Sống đức tin mạnh mẽ là khước từ những đam mê tội lỗi, tật xấu đang ràng buộc chúng ta như người tìm được kho tàng và viên ngọc quý trong ruộng, khi tìm thấy họ về bán hết mọi sự để mua cho bằng được viện ngọc quý và thửa ruộng.
 Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ duy nhất
 Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi mỗi người chúng ta đối diện vơi cái chết, lúc này Thiên Chúa không hỏi chúng ta có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu ngôi nhà, tiền bạc hoặc đã nhận bao nhiêu giải thưởng mà Thiên Chúa sẽ hỏi chúng ta có yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em hay không. Đó mới là điều quan trọng để chúng ta trở nên và đạt được viên ngọc quý hay kho tàng ẩn dấu. Nước Trời chính là ân sủng, là ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Muốn nhận được ơn cứu độ, chúng ta phải rủ bỏ mọi thứ vướng bận đang trói buộc làm cho chúng ta ra nặng nề và cản trở đi tìm Đấng vô biên. Khước từ như thế để chúng ta nhẹ nhàng thảnh thơi không còn bám víu và dễ dàng bước theo Đức Giêsu để chiếm hữu được phần thưởng vĩnh cửu là Nước Trời.
 Thánh Phaolô đã từng nói với các tín hữu Côrintô rằng: “Kho tàng ấy, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”. Chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta kho tàng ân sủng của Ngài. Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại những cám dỗ tội lỗi do xác thịt gây ra. Vì chúng ta yếu đuối, cần đến sức mạnh của Chúa Thánh Thần ban, để chúng ta không tuyệt vọng, không bị bỏ rơi mà là có Chúa luôn ở cùng. Có như vậy chúng ta mới trung thành với Thiên Chúa, trung thành với kho tàng đức tin và ân sủng Thiên Chúa đã ban và được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, để kho tàng đức tin và ân sủng phát triển tới tầm mức viên mãn nơi Người.



Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Thứ Bảy tuần XVI Thường Niên



Các ngươi sẽ uống chén của Ta”.

Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ thánh Giacôbê tông đồ cho thấy một cái gì đó rất thánh thiêng, nhưng cũng rất thế tục; một cái gì đó rất Chúa, nhưng cũng rất người; một cái gì đó đáng ao ước, nhưng cũng rất đáng loại bỏ. Để đi từ cái này đến cái kia, không có cách nào khác ngoài cách thức Chúa Giêsu chỉ ra, đó là mặc lấy một tình yêu có tên là thập giá.

Câu chuyện Tin Mừng xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ ba cuộc thương khó của Ngài, cũng là lúc thầy trò đang trên đường lên Giêrusalem. Một bà mẹ miệt biển con cà con cuốc đến bái lạy Ngài và thưa, “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúng ta không hiểu tại sao một cuộc đối thoại đau lòng đến thế lại xảy ra ở đây. Đây là ý mẹ hoặc là ý con, những đứa con đã chèo kéo mẹ mình rời quê lên tỉnh cầu cạnh lộc tước. Thương ôi! Vào giờ mà kẻ thù đang rình rập tư bề, giờ mà thầy trò sắp nói lời biệt ly khi bóng thập giá đang chập chờn trên một Giêrusalem chết chóc… thì lòng trò xa lạ lòng Thầy, tim trò lạc nhịp tim Thầy; bởi lẽ, đang khi Thầy nói chuyện đi lên, trò nghĩ chuyện đi xuống; Thầy nói chuyện trên cao, trò mơ chuyện dưới thấp; Thầy nói chuyện bị nộp, trò tính chuyện trị vì; và đang khi Thầy ước làm vui lòng Cha trên trời, trò lại mong thoả dạ mẹ dưới đất.

Chúng ta cùng xem cách cư xử tuyệt vời của Chúa Giêsu. Ngài dịu dàng trách khéo, “Các ngươi không biết các ngươi xin gì”; Ngài từ tốn dạm hỏi, xem liệu họ có thể bước một bước xa hơn với Ngài, “Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống không?”. Họ nói với Ngài, “Thưa được”. Ngài bảo, “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta”.

“Các ngươi không biết điều các ngươi xin”, dường như Ngài muốn nói với họ rằng, ‘Anh em ở với Thầy đã lâu mà xem ra không hiểu gì cả. Con đường dẫn đến vinh quang, con đường dẫn đến việc ngồi bên hữu bên tả trong vương quốc của Cha là con đường mang tên thập giá’. Không ai đi vào vinh quang của Ngài mà trước tiên, không đồng hành với Ngài qua cuộc tử nạn của chính Ngài. Rồi Ngài hỏi, “Các ngươi có thể uống chén này không?”, Ngài muốn nói, ‘Các ngươi có thể ôm lấy thập giá, mang lấy những khổ đau Thầy chịu và bước đi với Thầy xuyên suốt những đau khổ cùng tột, dự phần vào hy tế của Thầy ngay cả hy sinh mạng sống mình’ không? Các tông đồ quả quyết, “Thưa được”; quả thế, nhờ quyền lực vô song của Thiên Chúa, họ đã theo Chúa Giêsu đến cùng khi dám hiến dâng chính mình. Giacôbê được phúc tử đạo đầu tiên trong tông đồ đoàn.

Đó là “Quyền lực vô song” chứa đựng trong những bình sành mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá của Ngài là một ơn gọi, một sự đáp trả của tình yêu và cũng là quyền lực vô song của Thiên Chúa mà nếu không có Người đỡ nâng, chẳng ai có thể vượt qua. Người môn đệ theo Chúa Giêsu ý thức sự mỏng dòn dễ vỡ nơi bản thân mình để chỉ cậy dựa vào lòng thương xót của Người. Bởi lẽ, mỗi ngày họ phải chiến đấu, vật lộn từng giây từng phút với chính mình, với thế gian, với những cám dỗ; đồng thời họ còn phải vật lộn với chính Thiên Chúa. Thi hào Charles de Péguy đã cảm nhận cuộc vật lộn này khi ông đọc cuộc vật thâu đêm của Giacob với sứ thần Chúa:

“Ta đã thường chơi với con người, hỡi ngươi, đồ khờ,
Trong cuộc chơi nầy, ai thắng thì thua, ai thua thì thắng.
Vậy mà, hỡi ngươi; ngươi chỉ muốn thắng;
Ta đã thường chơi với con người,
Ta muốn ngươi thua để thành người thắng;
Còn ngươi, tên khờ khạo, chỉ muốn đánh bại Ta.
Giả như ngươi thắng, làm sao Ta có thể bồng ẵm và chữa lành ngươi?
Ta đã thường chơi với con người, hỡi ngươi, tên ngươi là khờ khạo”.

Hôm nay Chúa cũng hỏi chúng ta, “Con có thể uống chén đó không?”. Nếu trả lời “Có”, hẳn chúng ta sẽ thông phần vinh quang của Ngài. Vinh quang đó không phải là việc ngồi bên hữu bên tả nhưng là một vinh quang vượt quá những tưởng tượng điên khùng nhất của mỗi người. Vậy mà nó xứng đáng như thế và chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã chấp nhận như vậy.

“Lạy Chúa, mỗi ngày, con không vật lộn nhưng vật thật với Chúa; xin cho con đừng khờ khạo quyết thắng. Nhờ đó, con được Chúa ẵm bồng để đủ sức mặc lấy một tình yêu có tên là thập giá”, Amen.



- Thứ Sáu Tuần 16 Thường Niên.


Suy Niệm Lời Chúa ngày 24.7.2020 + Lời Chúa: Mt 13, 18-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
+ Suy Niệm: Lạc Quan.
Lẽ thường, không ai muốn mình là mảnh đất xấu, ai cũng muốn mình được nhìn nhận là người đạo hạnh hay ít ra là chấp nhận được. Nhưng thực tế đời sống nhiều khi lại cho thấy sự trái ngược đến khó hiểu: ta vẫn đọc kinh, vẫn đi lễ, vẫn cố gắng sửa mình nhưng dường như đời ta vẫn cằn cỗi, thui chột.
Ta thấy hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai.
Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.
Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cr. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".
Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.
Tuy không phải là đất tốt, nhưng vườn hồn ta cũng có những góc đã là đất tốt cùng với những góc cần được cải tạo hoặc lâu nay bị bỏ quên và Lời Chúa chưa đến được. Tuy phận người vốn mỏng dòn yếu đuối, gai góc đá sỏi cũng gắn liền với phận người và không dễ để dọn dẹp, nhưng không phải là đời đời không có thay đổi.
Ngẫm lại mà xem, nhiều lúc ta giống cái vệ đường chai lì đầy đá sỏi vì đã chẳng hiểu hoặc không muốn hiểu sứ điệp Lời Chúa dành cho ta. Một lời mời tha thứ, một tiếng gọi quảng đại với tha nhân không khó để ta hiểu, vậy mà rất có thể nhiều lần ta đã giả điếc làm ngơ hoặc giải nai chẳng hiểu chăng?
Nhiều lúc ta cũng không khác gì đám đất mệt chứa đầy những gai góc. Ta mỏi kiệt quệ vì đã dành quá nhiều thì giờ, công sức và tiền của cho công việc, nghề nghiệp, thú vui và địa vị hơn là đến với các lớp giáo lý, hơn là cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa.
Suy niệm đến đây, hẳn ta đã hiểu vì sao ta có cảm giác buồn vì đời mình chẳng được là mảnh đất tốt; và hẳn ta cũng cảm thấy khao khát hơn lúc nào hết muốn cho đất hồn mình hóa tốt.
Mảnh đất tâm hồn sẽ được biến đổi nếu bản thân ta thực sự khao khát và tích cực cộng tác với ơn Chúa. Niềm khao khát của ta phải kèm theo sự kiên nhẫn, phải đi cùng thời gian và phải biết chờ đợi. Thái độ cộng tác của ta phải tỏ lộ qua việc làm. Việc làm cần thiết nhất và trước nhất phải là cầu nguyện. Vì qua cầu nguyện, ta được Chúa ban ơn để biết kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn trả giá và đánh đổi, nhất là để có cơ hội hiểu được Lời Chúa, nếm được sự ngọn ngào của Lời Chúa và cảm nhận sức mạnh tái sinh của Lời Chúa.
Với và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, hẳn ta đã được soi sáng để nhận ra rằng giữa mảnh đất tâm hồn (nghĩa bóng) và mảnh đất thiên nhiên (nghĩa đen) vừa có một sự khác biệt rất lớn lại vừa có một sự tương đồng đến bất ngờ. Khác biệt ấy là mảnh đất vật chất không muốn và cũng không biết muốn cho mình tốt hơn; đang khi đó, con người có thể khao khát, nỗ lực và đón nhận sự trợ giúp để đổi đời, để trở thành mảnh đất tốt hơn và tốt nhất. Đất tâm hồn và đất thiên nhiên giống nhau ở chỗ: tùy vào ông chủ mà chất đất có thể thay đổi chứ không phải mãi mãi là tốt hoặc mãi mãi là xấu.
- Người Giồng Trôm

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020


Anh em thật có phúc (23.7.2020 – Thứ năm Tuần 16 Thường niên)Lời Chúa: Mt 13, 10-17
10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? “11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
Suy niệm
Đức Giêsu tuyên bố các môn đệ có phúc hơn “nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính” chỉ vì họ đã “được thấy và được nghe.” Nhưng thấy cái gì và nghe ai? Thưa, chính Chúa, bằng xương bằng thịt! Có điều ta đừng quên, nguyên điều đó vẫn chưa đủ để gọi là “có phúc”. Thực tế là bao người xung quanh Chúa thời ấy chẳng thực sự thấy và nghe hiểu được Chúa. Giữa các môn đệ và những người kia có một điều khác biệt: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.” Ta nhớ lời này của Đức Giêsu: “Con tạ ơn Cha vì đã giấu các mầu nhiệm Nước Trời đối với những kẻ thông thái khôn ngoan, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn!”
Ngày nay không ai thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt nữa, nhưng nhiều tâm hồn bé mọn vẫn “thật có phúc” vì được Ngài chinh phục cách sâu xa. Đó là những tâm hồn thánh thiện, hoàn toàn sống theo Tin Mừng của Chúa. Một số trong đó được nhiều người biết đến (như các vị thánh nhân như Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa Cancutta…), còn rất nhiều người khác rất âm thầm, nhưng họ rất gần xung quanh ta, và phần “phúc” của họ lớn lao không kém.
Để nhận được “ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” mời bạn tháo gỡ những vật cản không cho mắt được thấy và tai được nghe, tức những đam mê thấp hèn và những bận rộn lo lắng sự đời quá mức nơi mình.
Lạy Chúa, là sản nghiệp của con…, là phần tuyệt hảo may mắn của con… Tâm hồn con mừng rỡ… Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! (Tv 15

Chúa nhật( 19/09/2021) 25 Thường niên.

Tin mừng: Mc 9, 29-36 Xã hội Việt Nam chúng ta rất chuộng chức quyền, nhiều người ước muốn làm quan, làm lớn để có địa vị, có lợi lộc để đượ...